Hydrogen xanh: Mở đường cho tương lai bền vững

Thứ tư, 24/4/2024 | 10:25 GMT+7
Với những đặc tính ưu việt về giảm phát thải khí ô nhiễm và CO2, việc sử dụng hydrogen xanh là giải pháp quan trọng trong lộ trình chuyển dịch năng lượng. Một lộ trình đầu tư mở đường cho tương lai.

Việt Nam có nhiều tiềm năng sản xuất hydrogen xanh (Nguồn ảnh FreeP!k)

Không chỉ là câu chuyện vĩ mô, mà ngay với các doanh nghiệp, việc đầu tư cho hydrogen xanh hôm nay chính là đặt nền móng cho phát triển bền vững trong tương lai. Tuy nhiên, trên thế giới và tại Việt Nam, những bước khởi đầu “xây nền đắp móng” không hề dễ dàng.

Mới đây, tàu hydrogen của công ty Thụy Sĩ Stadler Rail đã phá kỷ lục di chuyển trong cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Colorado (Hoa Kỳ), chạy được hơn 2.800km chỉ với một bình nhiên liệu[i]. Nhiều phương tiện truyền thông gọi đây là một kỳ tích về giao thông xanh. Sự kiện này tiếp tục củng cố niềm tin về việc hydrogen xanh sẽ được ứng dụng phổ biến cho giao thông và nhiều ngành công nghiệp khác.

Trên phạm vi toàn cầu, theo Đánh giá hydrogen Toàn cầu năm 2022 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, tổng nhu cầu hydrogen trên toàn thế giới đã đạt 94 triệu tấn năm 2021 và ước tính sẽ đạt 115 – 130 triệu tấn năm 2030. Trong đó, 3 nước tiêu thụ nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ. Với các lợi thế tự nhiên, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng không nhỏ trong sản xuất, sử dụng và xuất khẩu hydrogen xanh.

Theo đánh giá sơ bộ của nghiên cứu "Thúc đẩy quá trình chuyển đổi ngành năng lượng ở Việt Nam" do Tổ chức Hợp tác Quốc tế GIZ và Công ty tư vấn năng lượng GFA (Đức) phối hợp thực hiện, tiềm năng xuất khẩu hydrogen xanh hàng năm từ điện mặt trời là 15,9 triệu tấn và từ điện gió trên đất liền là 7,4 triệu tấn. Dự kiến, chi phí sản xuất hydrogen xanh từ điện mặt trời là 4,23 USD/kg năm 2030 và giảm xuống còn 1,67 USD/kg năm 2050. Chi phí tương ứng từ điện gió trên bờ là 4,49 USD/kg năm 2030 và 2,29 USD/kg năm 2050.

Ông Théoneste Uhorakeye - Chuyên gia tư vấn quốc tế công ty GFA, nhận định: Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển hydrogen xanh cho thị trường quốc tế. Cụ thể, ngoài tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào (mặt trời và gió), vị trí địa lý gần với các thị trường nhập khẩu (Nhật Bản và Hàn Quốc) cũng như cơ sở hạ tầng sẵn có (của ngành khí đốt và hàng hải) có thể được sử dụng ngay hoặc điều chỉnh tùy thuộc vào sản phẩm và phương thức vận chuyển.

Ông Uhorakeye phân tích: Việt Nam có thể tăng khả năng cạnh tranh về chi phí nếu thực hiện việc phân tích và xác định các khu vực có hệ số công suất cao để hình thành các khu vực tập trung các dự án sản xuất hydrogen xanh cho xuất khẩu, tạm gọi là các khu phát triển năng lượng tái tạo và hydrogen xanh. Điều này sẽ tránh việc phát triển các dự án hydrogen xanh trong tương lai tại khu vực có hệ số công suất thấp.

Về lâu dài, “chìa khóa” của xuất khẩu hydrogen xanh liên quan tới lưu trữ và vận chuyển, vì thế Việt Nam cần có chiến lược đầu tư đồng bộ thì mới có thể tạo ra thị trường xuất khẩu, chuyên gia này cho biết.

Tại nhiều hội thảo về tương lai năng lượng, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhiều lần đề cập đến rào cản và khó khăn của việc phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế thảo luận tại hội thảo định hướng phát triển PtX và hydrogen xanh tại Việt Nam do GIZ tổ chức. (Nguồn GIZ).

Ông Mats de Ronde – Chuyên gia tư vấn quốc tế công ty tư vấn năng lượng DNV (Hà Lan) chỉ ra, 4 rào cản của Việt Nam hiện nay khi phát triển hydrogen xanh ở thị trường trong nước và quốc tế là: Hydrogen xanh phải cạnh tranh với việc sử dụng trực tiếp các nguồn năng lượng tái tạo; Cạnh tranh về chi phí giữa hydrogen xanh và các nguồn năng lượng hóa thạch; Cơ sở hạ tầng chưa có sự đầu tư; Khách hàng trong nước vẫn chưa sẵn sàng tiêu thụ khối lượng hydrogen lớn.

Theo ông Võ Thanh Tùng - Cố vấn năng lượng Dự án PtX Outreach của tổ chức GIZ, đây là một “bài toán” tổng thể, cần được tháo gỡ từng phần, với lộ trình cụ thể. Trong đó, Việt Nam cần có chiến lược để giảm giá thành sản xuất, từ thiết bị công nghệ, tới chi phí sản xuất điện từ năng lượng tái tạo bao gồm điện gió và điện mặt trời. Như vậy, công việc này không chỉ nằm trong các doanh nghiệp mà còn cần tới sự can thiệp của Nhà nước, giúp thúc đẩy những cơ chế hợp lý để giảm giá thành sản xuất hydrogen xanh. Cùng đó là việc chủ động thúc đẩy hợp tác quốc tế với các thị trường tiềm năng, nhằm đáp ứng các nhu cầu về hydrogen xanh từ các quốc gia có nhu cầu nhập khẩu.

Ông Tùng chia sẻ thêm: Dự án PtX Outreach là một trong các kết quả của quá trình hợp tác quốc tế giữa chính phủ Đức và Việt Nam để chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển của hydrogen xanh tại Việt Nam. Dự án được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ.

Link gốc

Theo: Báo Đầu tư