Chuyển động năng lượng

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Cơ chế mua bán điện trực tiếp và Dự thảo Nghị định Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà

Thứ tư, 24/4/2024 | 21:30 GMT+7
Chiều 24/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Dự thảo Nghị định Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại điện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương; đại diện các hiệp hội tổ chức nước ngoài như: Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc (Britcham); Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (Incham); Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ (Asean); Hiệp hội năng lượng sạch Châu Á; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam; Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức; Ngân hàng Quốc tế Nhật Bản..; Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía EVN, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Nam tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ ý kiến về dự thảo 2 Nghị định. Các ý kiến đều đánh giá cao việc Bộ Công Thương tổ chức hội thảo và cho rằng, cần sớm ban hành Nghị định về Cơ chế DPPA và Nghị định về Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà.

Ông Kim Yong Sup, Phó Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ, với cơ chế mua bán điện thông qua phát lên lưới tải điện quốc gia, Samsung mong muốn Bộ Công Thương cân nhắc tính giá để đảm bảo tính công bằng và sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện cũng như khách hàng.

Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN tại Việt Nam, bà Bùi Thị Diệp Lâm cho rằng, không nên trì hoãn việc ban hành các Nghị định về DPPA và Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, bởi sẽ ảnh hưởng tới thu hút nước ngoài của Chính phủ. Do vậy, Bộ Công Thương cần ban hành càng sớm càng tốt, giúp cho nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, nhất là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới…

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia thì sản lượng của khách hàng sẽ được thanh toán theo hai thành phần; trong đó phần sản lượng tiêu thụ của khách hàng được đáp ứng từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ thanh toán theo cơ chế thị trường, phần sản lượng tiêu thụ điện còn lại sẽ được thanh toán theo quy định hiện hành.

Hai chính sách về DPPA và khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu hoàn toàn thống nhất, không mâu thuẫn. Cần lưu ý là nếu bỏ cụm từ "tự sản tự tiêu" sẽ làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không tuân thủ các quy định của pháp luật và quy hoạch, kế hoạch phát triển điện vừa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các cơ quan truyền thông truyền tải thông điệp về bản chất khái niệm “mặt trời áp mái tự sản tự tiêu” để xã hội hiểu, chia sẻ và cùng thực hiện đúng các quy định của pháp luật, phát triển các nguồn điện hài hòa theo quy hoạch điện đã được phê duyệt trong từng giai đoạn, không gây thêm áp lực cho hệ thống truyền tải và phân phối, góp phần giảm căng thẳng trong cung ứng điện.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh điều kiện của hệ thống truyền tải và phân phối, cân bằng cơ cấu nguồn, biện pháp chống phát ngược và giải pháp mua với giá 0 đồng (trong trường hợp phát lên lưới điện quốc gia) là phù hợp, đảm bảo được việc ngăn chặn được hiện tượng trục lợi chính sách. Những cơ chế khuyến khích loại hình điện mặt trời áp mái tự sản tự tiêu là bước đột phá trong nỗ lực tháo gỡ các rào cản pháp lý cho phát triển nguồn điện trong bối cảnh một số quy định pháp luật chuyên ngành chưa theo kịp thực tiễn.
 

Minh Tuấn